Khi vận hành sử dụng xe ô tô, nếu như góc đặt bánh xe trên xe bị sai tiêu chuẩn hay sai lệch thì có thể gây ra các mối nguy đến người lái như lốp mòn không đều, mất lái, nhao lái,…khiến người lái gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Chính vì vậy trong bài viết này, Cứu Hộ 24H sẽ hướng dẫn bạn cân chỉnh góc đặt bánh xe chính xác để vận hành xe được ổn định, an toàn !
Nội dung bài viết
Tại sao phải cân chỉnh góc đặt bánh xe?
Đối với việc vận hành của ô tô thì bánh xe là thứ có sự ảnh hưởng mang tính quyết định. Vì đây là bộ phận duy nhất trực tiếp tiếp xúc với mặt đường, đồng thời còn làm nhiệm vụ nâng đỡ cho toàn bộ trọng lượng xe. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc góc đặt bánh xe sai lệch so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Sau thời gian dài sử dụng, những liên kết của hệ thống lái, treo trên xe sẽ bị rơ hoặc mài mòn, đặc biệt trong trường hợp xe phải di chuyển thường xuyên trên các địa hình xấu, tuyến đường đồi núi, sỏi đá… Hay cũng có thể là do người lái thường cho xe leo lên vỉa hè theo góc chéo, xe bị va quẹt, đâm, chở quá tải…
Việc không phát hiện và cân chỉnh góc đặt bánh xe kịp thời có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm cho cả người lái và chiếc xe. Chẳng hạn như độ mòn lốp không đều, bánh xe bị rung giật, khi xe chạy thẳng bánh lái có xu hướng lệch sang một bên. Vị trí bánh xe bị lệch trục hoặc thậm chí còn dẫn đến việc “mất lái”.
Những dấu hiệu nhắc nhở bạn phải kiểm tra góc đặt bánh xe?
Các góc đặt bánh xe là không có “chu kỳ” sai lệch và không cố định mãi. Có thể sau một hành trình dài trên các cung đường xấu xí, gồ ghề hay chỉ là một cú sóc cũng có thể làm lệch đi những góc đặt bánh xe. Hoặc đơn giản thì theo thời gian những góc này cũng dần dần lệch ra khỏi tiêu chuẩn. Vấn đề này diễn ra vô cùng chậm rãi mà không gây hậu quả ngay lập tức. Như vậy việc các góc đặt bánh xe bị sai lệch hoặc không đúng với tiêu chuẩn có thể xuất hiện sau một thời gian dài di chuyển hoặc cũng có thể xuất hiện ngay sau khi bạn cân chỉnh, điều này sẽ phụ thuộc vào điều kiện vận hành của ô tô.
Nếu không xảy ra hiện tượng lốp mòn bất thường, bánh xe bị rung giật, nhao lái, khi chạy thẳng bánh lái có xu hướng lệch sang một bên, vị trí các bánh xe bị lệch trục…thì sau khi sửa chữa hệ thống treo, lái, thay lốp thì sẽ tiến hành kiểm tra và cân chỉnh góc đặt bánh xe.
Thông số cơ bản, quan trọng ảnh hưởng đến vận hành xe
Để một chiếc ô tô vận hành êm ái, dễ dàng điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều các yếu tố. Tuy nhiên, những thông số cơ bản và mang tính quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc vận hành ô tô khi cần cân chỉnh góc đặt bánh xe là góc Caster, góc Camber và độ chụm (Toe).
Góc Camber
Là góc úp vào trong hoặc ngả ra ngoài của bánh xe so với phương thẳng đứng với góc nhìn từ phía sau hoặc trước. Camber được tính bằng phút và độ; khi bánh xe ngả ra ngoài thì camber dương (nhìn từ trước hoặc sau có hình dạng chữ V); khi bánh xe úp vào trong thì camber âm (nhìn từ trước hoặc sau có hình dạng chữ A); khi bánh xe vuông góc với mặt đường thì camber bằng 0.
Chức năng: Góc Camber dương ô tô có xu hướng di chuyển rất ổn định trên đường thẳng (không cần phải ghì, giữ tay lái), camber âm tại bánh sau sẽ rất tốt cho ô tô giữ ổn định khi xe vào cua với vận tốc cao. Ngoài ra vì chế tạo góc camber cho nên lực tác động của mặt đường lên vành lái được giảm đáng kể, đồng thời những chi tiết của hệ thống treo sẽ được bền hơn do giảm cánh tay đòn và giảm lực trực tiếp từ mặt đường được phân tách thành những lực thành phần với cường độ nhỏ hơn.
Các vấn đề do góc Camber sai tiêu chuẩn gây ra: Nếu góc camber dương vượt quá tiêu chuẩn sẽ dẫn đến ăn mòn lốp má ngoài, góc camber âm vượt quá tiêu chuẩn sẽ gây ăn lốp má trong. Nếu góc camber bên phải và góc camber bên trái sai lệch quá tiêu chuẩn thì ô tô sẽ có xu hướng nhao về bên dương nhiều hơn.
Góc Caster
Là góc ngả về phía trước hoặc ngả về phía sau của trục quay bánh lái so với phương thẳng đứng nhìn từ hướng bên cạnh xe. Caster được đo bằng phút và độ. Khi trục quay bánh lái ngả về phía sau góc Caster dương, khi trục quay bánh lái ngả về phía trước góc caster âm, caster sẽ bằng 0 khi trục quay của bánh lái trùng với phương thẳng đứng.
Chức năng: Caster dương làm cho bánh lái luôn luôn chuyển động theo hướng của khung xe và sau khi vào cua sẽ tự động trả lái (do trục quay bánh lái được thiết kế nghiêng về phía sau cho nên mỗi khi xe có xu hướng quay vòng thì trọng lượng của xe sẽ dồn lên trục moay ơ của bánh xe khiến nó quay về hướng chạy thẳng)
Các vấn đề do Caster sai tiêu chuẩn gây ra: Caster bị sai lệch so với tiêu chuẩn sẽ không gây ăn mòn lốp. Nếu Caster hai bên phải và trái không bằng nhau thì xe ô tô sẽ có xu hướng nhao về bên dương một ít.
Góc Toe
Góc Toe chính là hiệu số của khoảng cách giữa hai má lốp khi đo từ phía sau với khoảng cách giữa hai má lốp khi đo từ phía trước với cùng một trục xe. Độ chụm được tính bằng phút, inch, mm và độ. Toe-in (độ chụm dương) khi khoảng cách giữa hai má lốp ở phía sau lớn hơn so với khoảng cách của hai má lốp đo tại vị trí phía trước. Toe-out (độ chụm âm) khi khoảng cách giữa hai má lốp đo tại phía sau nhỏ hơn so với phía trước. Khi hai bánh song song với nhau thì độ chụm bằng zero.
Chức năng: khi xe chuyển động thì độ cao của thân xe so với mặt đường sẽ có sự khác nhau so với độ cao của thân xe khi nó đứng yên. Khi độ cao xe bị thay đổi sẽ làm cho chiều dài của rotuyn lái cũng thay đổi theo dẫn đến độ chụm cũng bị thay đổi. Vì vậy mà người ta làm độ chụm sẵn để có thể bù trừ khi chạy tốc độ cao thì độ chụm sẽ tiến dần về (0) để tránh ăn mòn lốp.
Các vấn đề do độ chụm sai gây ra: Độ chụm sẽ không gây nhao lái mà độ chụm sai chỉ làm vẹo vô lăng. Ngoài ra độ chụm toàn phần sai còn gây ra ăn mòn lốp rất lớn: độ chụm dương quá cao sẽ ăn mòn má ngoài lốp, độ chụm âm quá cao sẽ làm ăn mòn lốp má trong.
Kết luận
Qua bài viết chắc hẳn các bạn cũng đã biết được tại sao phải cân chỉnh góc đặt bánh xe và những thông số có ảnh hưởng đến việc vận hành chiếc xe. Mong rằng các thông tin của Cứu Hộ 24H trong bài viết này sẽ mang lại cho các bạn thêm những kiến thức về vận hành ô tô sao cho tốt nhất và có những chuyến đi thật an toàn. Cứu hộ 24H sẽ luôn có mặt mọi lúc mọi nơi nếu bạn cần !